Nhổ răng sữa cho trẻ em nhẹ nhàng và không đau sẽ giúp loại bỏ răng sữa bị viêm nhiễm hoặc bị lung lay nhưng không rụng để răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí cho bé hàm răng đều đẹp tự nhiên.
Chức năng và thời gian răng sữa mọc
Thời gian mọc răng sữa
Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời kỳ trẻ bú mẹ và thường mọc theo thứ tự sau:
STT | THỨ TỰ MỌC RĂNG SỮA | ĐỘ TUỔI BÉ MỌC RĂNG |
1 | Răng cửa giữa | 5 – 8 tháng tuổi |
2 | Răng cửa bên | 9 – 12 tháng tuổi |
3 | Răng hàm sữa thứ nhất | 12 – 15 tháng tuổi |
4 | Răng nanh sữa | 18 – 21 tháng tuổi |
5 | Răng hàm sữa thứ hai | 24 tháng – 3 tuổi |
Chức năng của răng sữa
Răng sữa giúp cho xương hàm phát triển hoàn thiện, bình thường trong thời gian đầu khi bé ăn dặm; phát âm chính xác, không bị ngọng và nghiền nát thức ăn trong thời kỳ bé tập ăn. Các răng sữa này rồi sẽ lung lay và lần lượt được thay thế bằng các răng vĩnh viễn.
Khi nào thì nên thay răng sữa cho bé?
Răng sữa đến tuổi thay sẽ tự động rụng hoặc lung lay theo một quy luật đặc biệt. Lúc này dưới mỗi răng sữa có một răng vĩnh viễn mọc thẳng lên làm tiêu chân răng, thân răng sữa phía trên để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn theo quy luật sau:
STT | THỨ TỰ THAY RĂNG SỮA | ĐỘ TUỔI BÉ THAY RĂNG |
1 | Răng cửa giữa | 5 – 7 tuổi |
2 | Răng cửa bên | 7 – 8 tuổi |
3 | Răng hàm sữa thứ nhất | 9 – 10 tuổi |
4 | Răng nanh sữa | 10 – 11 tuổi |
5 | Răng hàm sữa thứ hai | 11 – 12 tuổi |
Răng sữa khi đến tuổi thay mà vẫn không lung lay hay rụng đi thì cần phải có tác động bên ngoài để nhổ răng sữa nhằm giúp răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Việc mọc hay thay răng ở trẻ có thể sớm hoặc chậm hơn từ 6 – 12 tháng so với thời gian trên nhưng chúng không có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé.
Buộc phải thay răng sữa khi nào?
Theo các chuyên gia nha khoa, bạn nên thay răng sữa cho trẻ trong các trường hợp sau:
- Răng sữa đau, bị viêm, nhiễm trùng đã điều trị nhiều lần mà không khỏi thì bạn nên cho bé nhổ để khỏi ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.
- Răng sữa bị viêm cement cấp, viêm nhiễm ở chóp răng, hư tủy lâu ngày sẽ nhiễm khuẩn xuống vùng răng vĩnh viễn.
- Răng sữa đến tuổi thay, lung lay hoặc chưa lung lay nhưng răng vĩnh viễn đã mọc.
Những bé nào không nên nhổ răng sữa?
Các bác sĩ nha khoa khuyên không nên nhổ răng sữa cho trẻ em trong các trường hợp sau:
- Trẻ em đang bị viêm lợi cấp, viêm lợi vincent.
- Trẻ bị bệnh tim, các bệnh về máu, bệnh gan, thấp khớp hay bệnh truyền nhiễm thì chỉ nhổ răng khi có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa, dùng kháng sinh trước và sau khi nhổ
- Không nên nhổ răng khi trẻ em đang mang các khối u ác tính, sốt bại liệt.
Nên nhổ răng sữa cho trẻ em ở đâu?
Khi bé được 18 tháng tuổi trở nên thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám răng định kỳ thường xuyên 6 tháng/lần. Việc khám răng định kỳ sẽ giúp theo dõi quá trình mọc răng của trẻ cũng như phát hiện sớm các bệnh răng miệng như sâu răng. Không nên cho bé nhổ răng quá sớm vì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến khuôn mặt và tốn nhiều thời gian, chi phí cho việc chỉnh nha niềng răng sau này.
Những tai biến thường xảy ra khi nhổ răng cho bé tại nhà
Rất nhiều cha mẹ khi thấy răng sữa của trẻ lung lay là nhổ ngay mà không biết bên dưới răng vĩnh viễn đã mọc hay chưa. Điều này rất nguy hiểm vì nhổ răng sữa cho trẻ bằng tay hay chỉ không những rất đau mà còn dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như chảy máu ồ ạt, sót chân răng, viêm nhiễm, tổn thương xương hàm làm mặt mất đi vẻ cân đối. Bên cạnh đó nếu răng sữa bị nhổ sớm thì phần lợi để lâu ngày sẽ co khít cứng lại và khi răng vĩnh viễn mọc sẽ rất khó khăn và gây đau đớn cho bé.
Chính vì vậy, khi răng sữa của trẻ em bị lung lay, ba mẹ nên đưa bé đến bệnh viện hoặc nha khoa uy tín, chất lượng khám để biết chính xác tình trạng của răng vĩnh viễn. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ lên kế hoạch nhổ răng theo đúng độ tuổi, giai đoạn thay răng cho trẻ.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét